Trung Tâm Sản Xuất Cá Giống Công Nghệ Cao Thái Sơn

Nhà khoa học giàu tâm huyết

(Thủy sản Việt Nam) - Đó là điều mà ai cũng nhận thấy ở Tiến sĩ Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I.

Chuyên gia hàng đầu

Gặp ông vào một ngày đầu tháng 3 tại nhà riêng của ông ở phường Đình Bảng, thành phố Bắc Ninh. Ở tuổi 64, ông vẫn đang miệt mài làm việc và hướng dẫn cho sinh viên làm khoa học. Ông kể: Tốt nghiệp Đại học năm 1977, ông bắt đầu nghiên cứu về bệnh cá tại Trạm nghiên cứu cá nước ngọt Đình Bảng (sau này là Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I). Đến năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra ông đành gác lại công việc nghiên cứu lên đường làm nhiệm vụ, theo tiếng gọi của tổ quốc. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, năm 1982 ông xuất ngũ, trở lại làm khoa học với vai trò là chủ nhiệm đề tài: “Nghiên cứu ký sinh trùng cá nước ngọt và biện pháp phòng trị bệnh”, rồi chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Nhà nước, đề tài nhánh, đề tài cấp Bộ trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là bệnh học thủy sản và nuôi trồng thủy sản sạch bền vững. Các đề tài nghiên cứu của ông được giới khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao và có ứng dụng mang lại hiệu quả thực tiễn trong sản xuất.

Trải qua nhiều công việc và chức vụ như: Nghiên cứu viên chính, Trưởng bộ môn Bệnh cá, Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm; tham gia giảng dạy các môn về Bệnh học Thủy sản, Miễn dịch học động vật thủy sản... tại các trường Đại học Thủy sản Nha Trang (ĐH Nha Trang), Đại học Nông nghiệp I, Đại học KHTN - ĐH Quốc gia Hà Nội… Ở cương vị nào ông cũng được đồng nghiệp và học trò nể phục và kính trọng, bạn bè đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao.

Năm 2010, ông nghỉ hưu, đã có nhiều công ty, đơn vị mời ông về làm việc nhưng ông đều từ chối bởi ông “sợ” không có thời gian để nghiên cứu khoa học. Ông tâm sự: “Có cháu nội ở Hà Nội về chơi bảo lúc nào về cũng nhìn thấy ông ở bờ ao”. Nghề của ông là vậy, ông làm việc gắn bó với bờ ao, tôm cá như một lẽ tự nhiên. Giờ đây người ta lại thấy ông trên truyền hình Nông nghiệp VTC 16 với vai trò là chuyên gia về thủy sản, để giải quyết thắc mắc giúp người dân làm kinh tế với con cá, con tôm.

Về hưu, mặc dù sức khỏe không được như trước nhưng ông vẫn thường ngược xuôi Nam - Bắc với các hội thảo khoa học, với những nghiên cứu về những vấn đề nóng của ngành, của nghề. Phải chăng đó cũng là lẽ thường của một con người luôn gắn bó với nghề.

Tâm huyết với sự nghiệp trồng người

Ông bảo, ở tuổi của ông, thấy ông làm việc, nhiều người tưởng ông làm vì tiền. Nhưng mấy ai biết ông làm việc vì “máu” làm khoa học trong ông vẫn còn mạnh lắm.

Ở tuổi 60 ông vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học

Cơ ngơi nghiên cứu khoa học “tại gia” với một phòng thí nghiệm ngay trên bờ ao với đầy đủ hóa chất, máy móc (kính hiển vi, tủ sấy, tủ ấm, tủ đông)... Đặc biệt là một khu bể nuôi và nghiên cứu các đối tượng mới, bể chứa mẫu vật từ trong miền Nam gửi ra nhờ ông nghiên cứu; những chiếc bể kính nhỏ có sục khí chứa những mẫu vật cho sinh viên đang nghiên cứu; những cây dược liệu được ông tận dụng trồng trên những khoảng trống ở bờ ao... Chỉ tay về phía ao cá đang bơm cạn nước, ông bảo: dọn ao này để ương vài chục vạn con cá bột, vừa có nơi cho sinh viên thực tập vừa có thêm thu nhập hỗ trợ nghiên cứu và học tập cho sinh viên.

Mỗi năm, ông hướng dẫn hàng chục sinh viên ngành thủy sản, thú y của các trường đến thực tập, các sinh viên cao học, nghiên cứu sinh các chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, bác sỹ thú y thủy sản, cử nhân sinh học. Với các sinh viên mới ra trường, ông luôn tạo điều kiện để các em được học tập và nghiên cứu khoa học, có kiến thức chuyên sâu vững vàng để ra trường còn làm việc và cống hiến cho xã hội. Nhiều người là học trò của ông sau khi ra trường đều có việc làm tốt, có người còn giữ những trọng trách quan trọng trong ngành, có lẽ đó là phần thưởng lớn nhất dành cho ông, một người thầy hết lòng vì học sinh và khoa học.

>> Gần 40 năm làm nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Bùi Quang Tề đã có 9 đề tài cấp Nhà nước, 6 đề tài cấp Bộ, 1 đề tài hợp tác với Đan Mạch được nghiệm thu. Ông đã viết 20 bài báo đăng trong tạp chí trong nước và quốc tế và xuất bản 9 cuốn sách. Được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất giống một số loài tôm biển” năm 2000. Thành viên tham gia; Giải Nhì VIFOTEC đề tài: “Nghiên cứu kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lăng chấm (Hemibagrus guttatus Lacépè, 1830) trong điều kiện nuôi. Năm 2006, thành viên tham gia; Huy chương Chiến sỹ vẻ vang; Huy chương Vì sự nghiệp nghề cá. Ngày 26/4/2010 Hội đồng xét chọn do Ban tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam 2010 đã bình chọn ông là “Gương cá nhân điển hình đóng góp cho ngành Thủy sản Việt Nam” với tư cách nhà khoa học.

Bài viết liên quan